Lịch sử Hoàng_thái_hậu

Từ nguyên

Khái luận về xuất xứ của danh xưng Thái hậu được đề cập trong Sự vật khởi nguyên (事物紀原) của Cao Thừa (高承) thời nhà Tống:「"Sử ký - Tần bản kỷ viết: Chiêu vương mẫu Mị thị, hiệu Tuyên Thái hậu. Từ đó Vương mẫu đều gọi như vậy"; 《史記秦本紀》曰:昭王母羋氏,號宣太后。王母於是始以為稱。」

Theo đó, thời Tiên Tần, khi Tần Chiêu Tương vương tôn mẹ là Mị thị làm Tuyên Thái hậu, thì khi đó mới có danh vị Thái hậu dùng để gọi mẹ của quân vương. Về sau, Triệu Hiếu Thành vương cũng theo cách của nhà Tần, tôn xưng mẹ ruột Hiếu Uy Thái hậu.

Vào thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng quy định danh vị Hoàng đế, thì mẹ của Hoàng đế gọi là [Hoàng thái hậu]. Song mẹ của Thủy Hoàng là Triệu Cơ khi ấy qua đời trước khi ông xưng Đế, và Thủy Hoàng chỉ có thể truy tôn bà làm Đế Thái hậu (帝太后). Từ thời nhà Hán, tôn vị quy định của Hoàng thái hậu rất chặt chẽ, và người đầu tiên trở thành Hoàng thái hậu khi còn sống là Lữ hậu, Hoàng hậu của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

Phân biệt với Vương thái hậu

Tước vị [Hoàng thái hậu] là dành riêng cho mẹ của Hoàng đế, còn Vương thái hậu là dành cho mẹ của các quân chủ mang tước Vương. Cả hai tước hiệu đều có thể gọi tắt thành Thái hậu, song khoảng cách có rạch ròi.

Đối với phiên hệ tiếng Anh, tước hiệu [Hoàng thái hậu] là [Empress Dowager], [Dowager Empress] hoặc [Empress Mother]; còn Vương thái hậu là [Queen Dowager], [Dowager Queen] hoặc [Queen Mother]. Tuy vậy, các quốc gia phương Tây không thường xuyên sử dụng những cách gọi này, mà họ thường gọi vị gỏa phụ ấy bằng tên của người chồng, như Viktoria, Hoàng hậu Đức, vợ của Hoàng đế Friedrich III, trong thời gian làm gỏa phụ được gọi là [Kaiserin Friedrich; nghĩa là Hoàng hậu Friedrich]. Còn một cách khác đơn giản hơn, họ sẽ thường được gọi theo tên thật, bất chấp vai vế, như Mary xứ Teck của Liên hiệp Anh, từ khi chồng là George V của Anh qua đời, bà chỉ được gọi đơn giản là [Queen Mary], dù cho là thời hai người con trai lẫn người cháu nội, Elizabeth II.